Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Trần Đoàn

Khoa tử vi bắt nguồn từ thời nào? Cho đến nay sách sử không ghi lại ai là người khai sáng ra nó. Các Tử vi gia thường chỉ chú ý đến việc giải đoán tử vi hơn là đi tìm hiểu lịch sử. Bởi vậy cho đến nay, lịch sử khoa này vẫn còn lờ mờ. Thậm chí có người còn lầm lẫn khoa Tử vi với những chuyện truyền kỳ hoang đường. Đời Gia Tĩnh (vua Minh Thế Tông) có lưu truyền cuốn Tử vi Đẩu số Toàn thư do tiến sĩ La Hồng Tiên biên soạn. Lời tựa nói Tử Vi đẩu số toàn thư là của tác giả Hi Di Trần Đoàn. Bài tựa viết như sau: “Thường nghe nói cái lý của số mệnh rất huyền vi ít ai biết cho tường tận để mà thuận thụ coi công danh phú quí trên đời đều có mệnh. Tôi vì muốn biết nên đă tới tận núi Hoa Sơn chỗ ông Hi Di Trần Đoàn đắc đạo để chiêm bái nơi thờ tự của bậc đại hiền. Lúc ra về thì thấy một vị cao niên thái độ ung dung chân thực đưa cho tôi cuốn sách mà bảo: “Đây là Tử vi đẩu số tập của Hi Di tiên sinh”. Các sách về Tử vi sau này cũng đều thống nhất rằng người đầu tiên tổng hợp, hệ thống lại thành môn bói này là Trần Đoàn tức Hi Di Lão Tổ, sống vào đời Bắc Tống, Trung Quốc. Trần Đoàn, tự Hi Di, người đất Hoa Sơn ngày nay về phía Nam huyện Hoa Âm tỉnh Thiểm Tây. Tương truyền rằng khi ra đời, ông bị sinh thiếu tháng, nên mãi hơn hai năm mới biết đi, thủa nhỏ thường đau yếu liên miên. Trần Đoàn học văn không thông, học võ không đủ sức, thường suốt ngày theo phụ thân ngao du khắp non cùng thủy tận. Thân phụ Trần Đoàn là một nhà thiên văn, lịch số đại tài đương thời. Về năm sinh của tiên sinh không một thư tịch nào chép. Nhưng căn cứ vào bộ Triệu thị Minh thuyết Tử Vi kinh, khi Trần Đoàn yết kiến Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn vào niên hiệu Càn Đức nguyên niên (năm 963 Dương lịch) có nói: "Ngô kim nhật thất thập hữu dư" nghĩa là “tôi năm nay trên bảy mươi tuổI”. Vậy có thể Trần Đoàn ra đời vào khoảng 888-893 tức niên hiệu Vạn Đức nguyên niên đời Đường Hy Tông đến niên hiệu Cảnh Phúc nguyên niên đời Đường Chiêu Tông. Trần Đoàn bắt đầu học thiên văn năm 8 tuổi. Bộ Triệu thị Minh thuyết Tử Vi kinh thuật rằng: "Tiên sinh 8 tuổi mà tính còn thơ dại. Lúc nào cũng ngồi trong lòng thân phụ. Một hôm thân phụ tiên sinh phải tính ngày giờ mưa bão trong tháng, bị tiên sinh quấy rầy, mới dắt tiên sinh ra sân, chỉ lên bầu trời đầy sao mà bảo: - Con có thấy sao Tử Vi kia không? Đáp: - Thấy. Lại chỉ lên sao Thiên Phủ mà hỏi: - Con có thấy sao Thiên Phủ kia không? Đáp: - Thấy - Vậy con hãy đếm xem những sao đi theo sao Tử Vi và Thiên Phủ là bao nhiêu? Thân phụ tiên sinh tưởng rằng tiên sinh có đếm xong cũng trên nữa giờ. Không ngờ ông vừa vào nhà, tiên sinh đã chạy vào thưa: - Con đếm hết rồi. Đi sau sao Tử Vi là 5 sao, như vậy chòm sao Tử Vi có 6 sao. Đi sau sao Thiên Phủ là 7 sao, như vậy chòm Thiên phủ có 8 sao. Từ đấy tiên sinh được thân phụ hết sức truyền khoa thiên văn và lịch số". Từ nhà Đường chuyển sang nhà Tống trải qua giai đoạn lịch sử quá độ trung ương tập quyền biến ra địa phương hùng cứ rồi chuyển thành đời Ngũ Đại đã rồi nhà Tống mới thống nhất. Trần Đoàn lớn lên giữa lúc nhiễu nhương binh lửa, giết chóc loạn lạc, ông lên núi tu ẩn để tránh họa. Khi đã nắm được lẽ huyền vi của âm dương, ông thường đi đây đó để tìm anh hùng và chân chúa. Có một lần gặp người đàn bà gánh kĩu kịt trên vai hai đứa trẻ mỗi thúng ở đầu đòn gánh một đứa. Ông mới hỏi: “Hà vật lão ẩu? Này bà gánh kia chi vậy?” Người đàn bà mở nắp thúng cho Trần Đoàn coi rồi thở dài nói: “Tôi dẫn hai con tôi đi chạy loạn đây”. Vừa nhác trông thấy hai đứa nhỏ, Trần Đoàn đã kêu lên: “Một vai bà mà gánh những hai vị thiên tử sao?” Lòng ông vui mừng khôn xiết, vì thiên hạ sắp hưởng đời thái bình nên mới có hai vị chân chúa anh hùng xuất thế. Trần Đoàn liền lấy trong bọc ra mười lạng đưa biếu người đàn bà không quen biết rồi lên lưng lừa đi thẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét